Xem bản đầy đủ : Các vấn đề bất cập trong việc lập dự toán (từ trước đến năm 2025)
luongvancanh
09/02/25, 10:07 PM
Trong chi phí đầu tư của một dự án, theo thông lệ quốc tế chia ra nhóm 3. Nhóm thứ nhất là trực tiếp phí, thứ 2 là gián tiếp phí và thứ 3 là các chi phí rủi ro tiềm ẩn. Chi phí gián tiếp đều có ở chi phí xây dựng và chi phí tư vấn. Bộ Xây dựng đã ra các Thông tư 11/2021/TT-BXD, 12/2021/TT-BXD, 13/2021/TT-BXD ngày 31 tháng 8 năm 2021, hướng dẫn xác định các các loại chi phí này. Sau đó tiếp tục có các Thông tư khác sửa đổi bổ sung các Hầu hết nội dung của các Thông tư đã trình bày rất rõ ràng nhưng người dùng vẫn làm theo lối tư duy cũ, “kiểu cha truyền con nối” dẫn đến không thực hiện đúng theo tinh thần của các Thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, có một số hệ số Thông tư trình bày chưa được rõ ràng, dẫn đến người dùng áp dụng không phù hợp trong một số tình huống trên thực tế. Mục đích của bài viết này là góp phần định hướng cho người dùng áp dụng lại các nội dung sao cho phù hợp với Thông tư hướng dẫn, cũng như nêu một số nội dung chưa rõ trong các Thông tư nêu trên.
luongvancanh
09/02/25, 10:08 PM
Đầu tiên ta đề cập đến việc xác định giá trị dự toán công trình. Trong một dự án đầu tư có thể có nhiều công trình[1] (https://forum.dutoan.vn/#_ftn1) và nhiều loại công trình. Theo Điều 11 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 hướng dẫn về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình được định nghĩa là toàn bộ chi phí cần thiết dự tính để xây dựng công trình. Như vậy theo định nghĩa này thì việc xác định giá trị dự toán là chỉ xác định giá trị cho một công trình chứ không tính cho nhiều công trình trong dự án và việc xác định các hệ số của chi phí gián tiếp thì chỉ liên quan đến công trình đó thôi. Tuy nhiên hiện nay các tư vấn thiết kế lại gộp các công trình lại để tính chung một dự toán và xác định các hệ số chi phí gián tiếp cùng một hệ số cho nhiều công trình. Ví dụ, một dự án đầu tư được cấp vốn sửa chữa 03 trường học của một quận ở 03 điểm khác nhau. Tư vấn thiết kế lại tính chung một dự toán cho 03 công trình ở 03 địa điểm khác nhau. Sau đó tiếp tục tính các hệ số gián tiếp phí và tư vấn của 3 công trình chung với nhau dựa trên tổng giá trị chi phí xây dựng hoặc thiết bị của 3 công trình này. Việc tính toán dự toán như thế này là không phù hợp theo Điều 11 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP vì một dự toán mà tính cho nhiều công trình, cũng như việc xác định các hệ số gián tiếp phí và các hệ số tư vấn cũng không phù hợp. Chẳng hạn như dự án có 03 nhà thầu thi công hoặc thiết kế, mỗi nhà thầu sẽ thực hiện riêng biệt một công trình. Họ chỉ biết thông tin riêng công trình của họ thôi, vì lý do bảo mật, không thể có thông tin 02 công trình còn lại thì không thể xác định một hệ số chung cho 03 công trình.
[1] (https://forum.dutoan.vn/#_ftnref1) Theo Điều 3 khoản 1b của Nghị định 06/2021/NĐ-CC: Dự án đầu tư xây dựng có thể có một, một số công trình độc lập hoặc tổ hợp công trình chính hoặc dây chuyền công nghệ chính. Công trình nằm trong một tổ hợp công trình hoặc một dây chuyền công nghệ là hạng mục công trình trong tổ hợp công trình hoặc dây chuyền công nghệ.
luongvancanh
09/02/25, 10:09 PM
Vấn đề thứ hai, ta đề cập đến về số chi phí chung của chi phí xây dựng. Tại phụ lục III, mục II, khoản 1 của Thông tư 11/2021/TT-BXD có định nghĩa về chi phí chung của chi phí xây dựng là chi phí quản lý của doanh nghiệp được phân bổ cho công trình. Khi tra Bảng 3.1 để tìm tỉ lệ % định mức chi phí chung tính trên chi phí trực tiếp, phần nội dung xác định các cột chi phí xây dựng lại ghi như sau:
“Chi phí xây dựng trước thuế trong tổng mức đầu tư của dự án được duyệt (tỷ đồng)”.
Người đọc áp dụng đúng câu này thì sẽ lấy tổng chi phí xây dựng trước thuế của 03 công trình hoặc lấy tổng chi phí xây dựng trước thuế trong tổng mức đầu tư để xác định cột cần tra. Tương tự như tình huống nêu ở trên, cách hiểu này không phù hợp theo Điều 11 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP vì dự toán chỉ tính cho một công trình, hạng mục công trình và có nhiều tình huống người tính dự toán không thể có thông tin của các công trình khác trong cùng một dự án. Một điều chắc chắn ai cũng biết rằng công trình càng lớn thì hệ số tỷ lệ % chi phí chung càng nhỏ và ngược lại. Thành công thật không công bằng khi một nhà thầu thi công một công trình rất nhỏ trong dự án lại sử dụng hệ số chi phí chung của công trình rất lớn hơn nó. Không phù hợp về mặt xác định chi phí chung, đặc biệt khi xác định giá gói thầu để xét thầu. Tác giả đề xuất điều chỉnh nội dung câu trên của Thông tư lại như sau để phù hợp với ý nghĩa tính riêng cho từng công trình:
“Chi phí xây dựng trước thuế của công trình, hạng mục công trình đang tính trong tổng mức đầu tư của dự án được duyệt (tỷ đồng)”.
Trong trường hợp chủ đầu tư muốn tiết kiệm chi phí gián tiếp từ các hệ số tra bảng của Thông tư 11/2021/TT-BXD và 12/2021/TT-BXD, cứ tính đúng, tính đủ các hệ số này cho từng công trình, sau đó trong quá trình đấu thầu sẽ thương thảo giảm giá chào thầu. Ví dụ: khi mà một nhà thầu thiết kế nhận thiết kế 3 công trình cùng một lúc trên cùng một hợp đồng, chủ đầu tư được quyền thương thảo giảm giá xuống theo hệ số tỷ lệ % chi phí thiết kế bằng cách gộp chi phí xây dựng 3 công trình này lại để tra hệ số. chủ đầu tư “mua sỉ” chứ không “mua lẻ” do đó giá phải rẻ hơn.
luongvancanh
09/02/25, 10:09 PM
Vấn đề thứ ba, đó là chọn giá vật liệu như thế nào là phù hợp và cần số lượng bao nhiêu báo giá cho loại vật liệu đó. Theo Thông tư 11/2021/TT-BXD hướng dẫn, giá vật liệu đến hiện trường công trình được xác định theo các yếu tố sau: giá vật liệu tại nguồn cung cấp; chi phí vận chuyển đến hiện trường công trình; chi phí bốc xếp; chi phí vận chuyển nội bộ trong công trình; chi phí hao hụt trong quá trình vận chuyển, bảo quản tại hiện trường công trình; phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng vật liệu, yêu cầu sử dụng vật liệu của công trình, dự án; phù hợp với nhu cầu, kế hoạch dự kiến sử dụng vật liệu của công trình về tiến độ, khối lượng cung cấp; mặt bằng giá thị trường tại nơi xây dựng công trình; nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu thời điểm lập dự toán. Như vậy quá nhiều yếu tố để xác định giá vật liệu trong việc lập dự toán, dẫn đến các các công ty thiết kế chỉ dựa vào báo giá đến hiện trường của Sở Xây dựng công bố và các nhà sản xuất, nhà cung cấp. Vậy cần lấy bao nhiêu báo giá là phù hợp và chọn giá nào trong các báo giá. Thông tư không đề cập vấn đề này và các công ty thiết kế thường lấy 03 báo giá (áp dụng theo hướng dẫn mua sắm thường xuyên) lấy giá trung bình của các báo giá. Tuy nhiên, chất lượng của các các báo giá thường không đảm bảo các yếu tố nêu trên của Thông tư hướng dẫn. Chỉ cần một báo giá có sai lệch lớn thì trung bình cộng lại cũng sai lệch lớn với giá thị trường. Đồng thời các báo giá đôi khi là của nhà thầu chứ không phải báo giá của nhà sản xuất, nhà cung cấp có đăng ký, được cấp phép kinh doanh theo quy định được sử dụng để xác định giá vật liệu xây dựng. Báo giá thường thiếu một trong các thông tin về khối lượng, số lượng, quy cách, chủng loại, nhãn mác, tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ vật liệu xây dựng, địa điểm cung cấp, điều kiện vận chuyển, điều kiện thanh toán, thuế, phí và các thông tin liên quan khác (nếu có). Các tổ chức thẩm định cần xem xét lại chất lượng của các báo giá trong quá trình thẩm định-phê duyệt.
luongvancanh
09/02/25, 10:10 PM
Vấn đề tiếp theo, thứ tư là cách xác định chi phí thiết bị không tính đủ các loại chi phí còn trong bảng 2.2- tổng hợp chi phí thiết bị của Thông tư 11/2021/TT-BXD. Trong bảng này gồm có 9 loại chi phí con cấu thành chi phí thiết bị của dự toán. Tuy nhiên, các công ty thiết kế thường chỉ liệt kê một loại đầu tiên là “1. Chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ”, các loại còn lại không đề cập đến. Cách tính này gần giống như tính giá vật liệu xây dựng, dẫn đến người đọc sẽ không biết được là 8 loại còn lại có giá trị bao nhiêu, đã bao gồm vào mục chi phí đầu tiên chưa. Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức thẩm tra, thẩm định cũng bỏ qua không đề cập đến 8 loại chi phí còn lại và hiểu ngầm là đã bao gồm vào mục đầu tiên. Tác giả đề nghị liệt kê đầy đủ 9 loại chi phí trong dự toán, các loại chi phí không tính thì ghi bao gồm trong mục “chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ”.
luongvancanh
09/02/25, 10:11 PM
Vấn đề thứ năm, một trong những nội dung chưa được rõ ràng nữa đó là các chi phí tư vấn đã thực hiện trước khi xác định dự toán sẽ lấy giá trị theo hợp đồng hay theo các quyết định phê duyệt liên quan đến giá trị này. Theo điểm c, khoản 1 Điều 13 của Thông tư 11/2021/TT-BXD có nội dung: “c) Đối với một số công việc tư vấn đầu tư xây dựng thực hiện trước khi xác định tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng công trình thì chi phí tư vấn đầu tư xây dựng được xác định trên cơ sở giá trị đã được phê duyệt; hoặc hợp đồng tư vấn đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật”. Đây là điểm đổi mới trong quản lý chi phí, nhằm giúp cho việc quản lý chi phí xác thực hơn theo tiến trình thực hiện dự án. Trên thực tế, khi lập dự toán ta có thể gặp cùng lúc hai giá trị đã được phê duyệt: giá gói thầu trong Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giá hợp đồng đã ký. Người tính dự toán chọn giá trị ký hợp đồng để đưa vào dự toán, người thẩm định chọn giá gói thầu dẫn đến gây tranh cãi. Xét theo Thông tư, cả hai đều đúng do từ “hoặc”. Theo ý kiến của tác giả, nên lấy giá trị giá hợp đồng đã ký vì nó là giá trị cuối cùng của một chuỗi hoạt động quản lý chi phí tính đến lập dự toán. Đề nghị Bộ Xây dựng sửa đổi nội dung điểm c nêu trên theo thứ tự ưu tiên giữa các giá trị.
luongvancanh
09/02/25, 10:11 PM
Vấn đề thứ sáu, chi phí dự phòng trượt giá thường bị bỏ qua khi xác định dự toán các công trình có quy mô nhỏ. Về nguyên lý tiền tệ, đồng tiền luôn bị trượt giá theo nền kinh kế dù chỉ một ngày đêm. Do đó không thể nói rằng thời gian thực hiện công trình nhỏ hơn 1 năm hoặc trượt giá không đáng kể có thể bỏ qua nên không tính dự phòng trượt giá. Ta chỉ có thể bỏ qua khi nền kinh tế giảm phát hoặc không trượt giá (ví dụ như nền kinh tế của Nhật Bản hiện nay). Có một số người có quan điểm áp dụng Điều 16, Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu[1] (https://forum.dutoan.vn/#_ftn1) để không tính chi phí dự phòng trượt giá nhưng không chứng minh tại sao. Quan điểm này là không phù hợp cho lĩnh vực xây dựng. Luật đấu thầu là để áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực. Tính dự toán công trình phải áp dụng Luật Xây dựng vì Luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng cao hơn. Thông tư 11/2021/TT-BXD có cả nội dung hướng dẫn xác định chi phí dự phòng trượt giá theo Quý[2] (https://forum.dutoan.vn/#_ftn2) và giá gói thầu bao gồm chi phí dự phòng trượt giá. Không tính dự phòng trượt giá cho công trình là không phù hợp với pháp luật quy định.
[1] (https://forum.dutoan.vn/#_ftnref1) “Đối với các gói thầu có thời gian thực hiện gói thầu ngắn, ít có khả năng phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính bằng không.”
[2] (https://forum.dutoan.vn/#_ftnref2) b) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian, tiến độ dự kiến thực hiện công trình (tính bằng quý, năm) và chỉ số giá xây dựng phù hợp với loại công trình xây dựng có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.
luongvancanh
09/02/25, 10:12 PM
Vấn đề thứ bảy, một số tổ chức tư vấn thiết kế xác định chi phí dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh tiện cận về tỉ lệ 0%. Về mặt nguyên lý quản lý dự án, công trình nào cũng có ít nhiều phát sinh. Dự án chưa triển khai thực hiện mà chi phí dự phòng đã gần hết thì tính khả thi của dự án đó có xác xuất thất bại rất cao. Thời điểm viết bài này, Thông tư 11/2021/TT-BXD quy định tỷ lệ dự phòng cho khối lượng, công việc phát sinh ≤ 5%. Có chặn trên nhưng không có chặn dưới dẫn đến có một số tổ chức lợi dụng việc này để đẩy trực tiếp phí của chi phí xây dựng lên cao, với ý định là để giá hợp đồng xây lắp được ký với mức cao nhất, dẫn đến tính khả thi của dự án mất đi. Tác giả đề xuất nên quy định tỉ lệ % tối thiểu cho chi phí dự phòng để đảm bảo dự án có xác xuất thành công cao, tránh rủi ro thiếu vốn trong giai đoạn thực hiện đầu tư.
luongvancanh
09/02/25, 10:13 PM
Vấn đề cuối cùng, đơn giá nhân công-ca máy công bố của các Sở Xây dựng quá thấp so với mặt bằng thị trường. Trong nhiều năm vừa qua, các Sở xây dựng cũng thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng lập các biểu mẫu khảo sát đơn giá nhân công ca máy tại địa phương của mình, nhưng luôn thấp hơn đơn giá thị trường. Vật liệu, nhân công và máy thi công là các loại trực tiếp phí. Vật liệu thì đã lấy theo giá thị trường tại thời điểm tính dự toán như đã trình bày ở trên nhưng nhân công và ca máy hiện nay nhà nước vẫn còn quản lý và luôn thấp hơn giá thị trường khoảng 35%. Ví dụ, vào tháng 01/2025, tác giả thuê thợ xây dựng (nhóm I) bậc 3,5/7 tại thành phố Hồ Chí Minh phải trả 450.000 đ. Tuy nhiên, tại Quyết định số 1491/QĐ-SXD-KT&VLXD ngày 31/12/2025 Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh công bố đơn giá nhân công nhóm I, bậc 3,5/7 chỉ có 290.785 đ. Ai cũng biết là thấp hơn thị trường, nhưng vẫn công bố làm cho người ta thắc mắc tại sao phải làm vậy??? Đơn giá nhân công thấp hơn 35%, vậy hỏi nhà thầu lấy đâu để bù vô nhằm đảm bảo có lãi khi nhận hợp đồng xây dựng. Nếu nghiên cứu sâu về cấu thành của chi phí xây dựng tại bảng 3.6 của Thông tư 11/2021/TT-BXD, thì ta thấy rằng: các gián tiếp phí nhà nước đã quản lý bằng định mức tỷ lệ %; các trực tiếp phí như nhân công và máy thi công nhà nước cũng quản lý bằng các văn bản công bố đơn giá. Như vậy, để bù vào sự thiếu hụt 35% chi phí nhân công của công trình, nhà thầu chỉ có cách là lấy từ nguồn chi phí vật liệu xây dựng. Hay nói khác đi, bằng “cách nào đó” hoặc giá trị vật liệu trong bảng dự toán được nâng lên hoặc nhà thầu tìm được các nhà cung cấp vật liệu giá rẻ hơn nhưng chất lượng cũng thấp hơn tiêu chuẩn vật liệu quy định hoặc cách khác... Bên cạnh đó, để bù vào sự thiếu hụt 35% chi phí, nhà thầu thực hiện việc thi công không đúng theo tiêu chuẩn thi công TCVN về chất lượng để giảm giờ công lại. Các tổ chức tư vấn giám sát cũng thông cảm cho nhà thầu bỏ qua không kiểm tra theo đúng tiêu chuẩn TCVN về chất lượng thi công. Một chuỗi quan hệ tương tác như vậy vô hình chung đấy chất lượng công trình xuống thấp hơn tiêu chuẩn quy định. Thực tế đã chứng minh, hầu hết các nhà thầu thi công cho các công trình vốn khác sẽ nhận được tiền công cao hơn các công trình nhà nước với cùng một khối lượng thi công. Và đương nhiên, chất lượng công trình hầu hết có chất lượng cao hơn công trình của nhà nước về mặt kỹ thuật thi công. Năm 2025, Luật Đất đai đã cố gắng đưa giá trị nhà đất từ thấp hơn, tiến lên tiện cận với giá thị trường. Luật xây dựng cũng vậy, ngày 22/01/2025 Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 01/2025/TT-BXD để điều chỉnh vấn đề này, ghi rõ: “Đơn giá nhân công xây dựng được công bố trên địa bàn phải phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương, phù hợp với đặc điểm, tính chất công việc của nhân công xây dựng; đã bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng và một số khoản chi phí ...”[1] (https://forum.dutoan.vn/#_ftn1). Rất mong các Sở Xây dựng sắp đến sẽ từng bước công bố đơn giá nhân công-ca máy sát với với giá thị trường để tránh các hiện tượng làm giảm chất lượng công trình xây dựng trong tương lai.
Tóm lại, với nhiều bất cập nêu trên, tác giả rất mong các bên liên quan điều chỉnh lại các nội dung đã trình bày nhằm đảm bảo cho việc tính dự toán phù hợp với nền kinh tế thị trường và phù hợp với thông lệ các nước trên thế giới.
[1] (https://forum.dutoan.vn/#_ftnref1) Điều 1, khoản 1, sửa đổi bổ sung Điều 8 Thông tư 01/2025/TT-BXD.
Powered by vBulletin® Version 4.2.3 Copyright © 2025 vBulletin Solutions, Inc. All rights reserved.